Có bao giờ bạn mong muốn trong hồ cá thủy sinh của mình có một thảm cỏ nền xanh mướt mà hình dáng của nó y chang cỏ trồng ngoài sân vườn hay công viên? Và hôm nay thủy sinh Asin xin giới thiệu các bạn một loại cỏ nền trồng tiền cảnh trong hồ thủy sinh đó là Ngưu Mao Chiên. Cỏ Ngưu Mao Chiên có hình dáng y chang thảm cỏ ở ngoài sân vườn và cũng lang ra rất nhanh tạo thành thảm cỏ xanh ngát như cánh đồng. Hãy trồng và bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp của cỏ Ngưu Mao Chiên như thế nào.
Đặc điểm cây Ngưu Mao Chiên thủy sinh
- Tên khoa học Ngưu Mao Chiên: Eleocharis acicularis
- Xuất xứ: toàn cầu
- Kích thước: dài khoảng 5cm
- Màu sắc: xanh lá đậm
- Ánh sáng: vừa – cao
- Nhiệt độ: 20 – 28 độ C
- pH: 6.0 – 7.5
- Tốc độ sinh trưởng: chậm
- Vị trí trồng: tiền cảnh
- Trồng cạn: được
Cây Ngưu Mao Chiên thường được tìm thấy ở các vùng đầm lầy châu Âu và được đưa vào thủy sinh nhờ ông nghệ nhân người Nhật tên là Amano. Với vẻ đẹp xanh mượt và chiều cao lý tưởng, Ngưu Mao Chiên được đưa vào hồ thủy sinh giống như một loại cây tiền cảnh hoặc cắm chen đá rất đẹp. Người ta thường dùng Ngưu Mao Chiên để làm thảm cỏ xanh ngát mềm mại như những cánh đồng. Thậm chí Ngưu Mao Chiên có mặt rất nhiều trong các hồ thủy sinh dự thi quốc tế.
Trong hồ thủy sinh, cây Ngưu Mao thường được trồng ở tiền cảnh để làm thảm cỏ vì hình dáng và màu sắc của chúng rất phù hợp. Tuy nhiên có những người cũng dùng cây Ngưu Mao Chiên cắm cạnh đá để dùng trung cảnh hậu. Đôi khi một điểm nhấn nhỏ tại một vị trí như mép đá, mép lũa cũng làm cho bố cụng trở nên nhẹ nhàng và hài hòa hơn rất nhiều.
Cây Ngưu Mao Chiên có thể sống trên cạn với đất nền ẩm ướt và đạt chiều cao lên tới 20cm. Ngoài ra chúng còn có thể ra hoa vào giữa tháng 6 và tháng 10, hoa của chúng cũng khá đẹp và dễ nhận ra. Tuy nhiên khó mà có thể đưa một cây Ngưu Mao Chiên từ bán cạn để vào hồ thủy sinh mà sống được. Vì vậy khi mua cây Ngưu Mao Chiên ở cửa hàng hãy chú ý kỹ điều này.
Khi có ánh sáng cao và dinh dưỡng đầy đủ, cây Ngưu Mao Chiên sẽ phát triển rất nhanh. Thân rễ của chúng bắn những cây con nối liền với nhau và tạo thành một thảm cỏ. Trong các hồ thủy sinh các bạn sẽ có dịp quan sát thấy rễ của Ngưu Mao Chiên cắm thẳng dưới nền và bắn cây con từ dưới chui lên.
Nhược điểm duy nhất của cây Ngưu Mao Chiên là do độ phủ của nó khá dày nên dễ sinh rêu hại, vì thế hay chú ý thay nước đều và chăm sóc thảm cỏ để hồ thủy sinh của bạn luôn có được thảm cỏ xanh tốt. Nuôi thêm vài con cá nô lệ, otto, bút chì hay tép trong hồ thủy sinh là giải pháp an toàn và hiệu quả cho cây Ngưu Mao Chiên.